Văn học Việt Nam đương đại và những nét nổi bật

Văn học Việt Nam đương đại được đánh giá là có ít tác phẩm lớn so với các thời kỳ trước đó, nhất là giai đoạn đỉnh cao năm 1930 – 1945. Điều này được các chuyên gia đánh giá là do điều kiện lịch sử xã hội làm hạn chế sức sáng tạo và cá tính của người nghệ sĩ. Để thay đổi thực trạng này cần một thế hệ nhà văn mới, dám nghĩ dám viết.

Văn học Việt Nam đương đại bị cho là thiếu vắng tác phẩm lớn

1.  Văn học đương đại chịu giới hạn của thực tiễn

Văn học không thể tách rời cuộc sống thực tế, câu nói “thời thế tạo anh hùng” cũng có phần đúng với hoàn cảnh xã hội đương đại kém “màu mỡ” hơn thời chiến. Bởi thế đây là một trong những lý do thuyết phục khiến văn học đương đại thiếu bóng nhiều tác phẩm lớn.

Xã hội Việt Nam bước vào thời kỳ mới có nhiều đổi mới, cũng tồn đọng nhiều vấn đề trong xã hội song không thực sự được khai thác tốt như những tác phẩm thuộc giai đoạn trước đó. Kết thúc cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, ý thức cá nhân đã lớn mạnh hơn, hòa nhịp trở lại với văn học nghệ thuật. Đó là sự tồn tại của con người với những nhu cầu vật chất, tinh thần, tình cảm và thẩm mỹ đã tạm nhường cho ý thức cộng đồng, ý thức tập thể nổi bật của thời chiến.

Văn học Việt Nam đương đại bị giới hạn bởi thực tiễn

Chính yếu tố thực tiễn xã hội và ý thức cá nhân đẩy mạnh này đã hạn chế sức sáng tạo cũng như cá tính của nhà văn.

Một số nhà văn nổi bật được nhiều người biết đến có thể kể đến như: Nguyễn Nhật Ánh, Anh Khang, Tuệ Nghi, Iris Cao, Nguyễn Ngọc Tư,…   

Nguyễn Nhật Ánh là nhà văn đương đại nổi bật

2.  Văn học đương đại Việt Nam với sự chuyển mình của truyện ngắn

Nổi bật trong văn học đương đại Việt Nam sau năm 1986, truyện ngắn đã có sự phát triển lớn, kịp chuyển mình theo xu hướng vận động mới, phản ánh tương đối đầy đủ đời sống xã hội và con người của giai đoạn này. Truyện ngắn không còn mang lớp vỏ sử thi mà trở nên gần gũi hơn, tiếp cận tốt hơn với đời sống xã hội. Qua những câu chuyện, con người bộc lộ tư tưởng đời sống một cách tự do hơn.  

Sau Đại hội Đảng lần thứ VI, Việt Nam bước vào thời kỳ đổi mới với nhiều thành tựu về lĩnh vực kinh tế, xã hội. Truyện ngắn thời kỳ đầu phản ánh tốt những vấn đề xã hội tiêu cực, tiêu biểu như Nhi đồng cụ của Nguyễn Quang Sáng, Chuyện như đùa của Lê Văn Nghĩa,… Thời kỳ sau, cảm hứng phê phán chiếm ưu thế chủ đạo như Bước qua lời nguyền của Tạ Duy Anh, Tướng về hưu của Nguyễn Huy Thiệp,…

Các tác phẩm truyện ngắn ở giai đoạn này thể hiện nhiều mặt phong phú, phức tạp của con người như:

–        Phản ánh các vấn đề truyền thống và lịch sử: Người giữ cồn của Nguyễn Thế Hùng, Phẩm tiết của Nguyễn Huy Thiệp.

–        Truyện ngắn đề tài tình dục cũng đã xuất hiện như: Man nương của Phạm Thị Hoài hay Bóng đè của Đỗ Hoàng Diệu.

–        Đề tài xã hội đương đại cũng được phản ánh tốt như Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư hay Không có vua của Nguyễn Huy Thiệp.

–        Đề tài tình yêu: Lạc của Phạm Hải Anh, Đêm hóa thạch của Tạ Duy Anh.

Cánh đồng bất tận là một trong các tác phẩm nổi bật của văn học đương đại

Đi sâu vào khai thác thuộc tính nhân bản của con người, truyện ngắn đương đại Việt Nam tiếp cận thực tế tốt, gần gũi với đời sống của con người thực tại.

Không thể hoàn toàn đổ lỗi cho sự thiếu vắng tác phẩm lớn của văn học đương đại cho nhà văn, dù vậy vẫn cần các nhà văn phải đặt cái hồn trong tác phẩm, viết bằng tất cả sự tỉ mỉ và tâm huyết. Sự cẩu thả, chắp vá hời hợt của không ít tác phẩm văn học mới chỉ khiến người đọc quay lưng mà thôi.