VĂN HỌC VIỆT NAM SAU 1975 – SỰ CHUYỂN BIẾN MẠNH MẼ VỀ NỘI DUNG VÀ NGHỆ THUẬT

Văn học Việt Nam sau năm 1975 có những thay đổi mạnh mẽ về nội dung và nghệ thuật bởi bước ngoặt lớn về hoàn cảnh lịch sử của nước nhà. Vậy sau năm 1975 văn học Việt Nam có đặc điểm như thế nào và đạt được thành tựu gì nổi bật, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu ngay sau đây.

1. Hoàn cảnh lịch sử

Chiến thắng lịch sử 30/4/1975 đã mở ra thời kỳ độc lập, tự do và thống nhất cho đất nước. Tuy nhiên ngay sau thắng lợi to lớn đó dân tộc Việt Nam lại phải đối mặt với thời kỳ khó khăn và thử thách khắc phục hậu quả sau chiến tranh kéo dài đến 30 năm. 

Từ năm 1986 với công cuộc đổi mới kinh tế từ nền kinh tế tự cung tự cấp sang nền kinh tế thị trường, đất nước đã có những bước chuyển biến mạnh mẽ. Từ hoàn cảnh lịch sử đã ảnh hưởng rất lớn đến các nội dung và chủ đề của văn học.

Sự thay đổi của nền văn học Việt Nam sau 1975

2. Đặc điểm nền văn học Việt Nam sau năm 1975

Đặc điểm nền văn học Việt Nam sau năm 1975 được chia thành các giai đoạn sau:

Giai đoạn từ năm 1975 đến 1985: Giai đoạn chuyển tiếp từ nền văn học cách mạng sang nền văn học thời hậu chiến.

+ Thời gian đầu sau khi đất nước thống nhất lịch sử Việt Nam bước sang một trang mới tuy nhiên thời kỳ này văn học vẫn hoạt động theo đặc điểm của văn học thời chiến mang khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn.

+ Bên cạnh đó có một nhà nhà văn đã có những thay đổi trong suy nghĩ và khuynh hướng sáng tác. Họ đang từng bước thay thế cảm hứng sáng tác sang các vấn đề đời tư, đạo đức thế sự và nội dung được đề cập đến không còn mang đậm chất sử thi, anh hùng ca mà bàn về những số phận giữa đời thường. Họ chính là những người tiên phong tạo nền móng cho công cuộc đổi mới văn học trong thời đại mới.

+ Một số tác phẩm văn học nổi tiếng thời kỳ này phải kể đến Tập truyện ngắn Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành (1983) của Nguyễn Minh Châu, tập thơ Hoa trên đá (1984) của Chế Lan Viên, Tôi và chúng ta (1985) của Lưu Quang Vũ, Tập thơ Tự hát (1984) của Xuân Quỳnh,…

Giai đoạn 1986-1991: Giai đoạn đổi mới toàn diện trên mọi lĩnh vực văn học nghệ thuật

Năm 1986 nền kinh tế Việt Nam chuyển sang kinh tế thị trường tạo cơ hội mang đến cho nền văn học nhiều sự đổi mới mạnh mẽ. Hàng loạt các phóng sự đề cập đến những thực trạng nhức nhối trong xã hội ra đời như Tiếng kêu cứu của một vùng văn hóa (1988) của Võ Văn Trực, Lời khai của bị can (1987) của Trần Huy Quang…

Ngoài ra nhiều tiểu thuyết và truyện ngắn tập trung vào phản ánh những khủng hoảng, xung đột của xã hội và tâm hồn con người được khắc họa rõ nét và sâu sắc. Những tác phẩm tiêu biểu như Thời xa vắng (1986) của Lê Lựu,  Bến không chồng (1990) của Dương Hướng, tập truyện ngắn Tướng về hưu (1988) của Nguyễn Huy Thiệp,…

Những tác phẩm văn học Việt Nam sau năm 1975

3. Những thành tựu nổi bật của văn học Việt Nam sau 1975

Văn học Việt Nam sau 1975 đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật gồm:

  • Đổi mới về cảm hứng sáng tác phù hợp với thời đại mới mở ra cho văn học hướng tiếp cận mới về các vấn đề đạo đức thế sự.
  • Đổi mới về ý thức nghệ thuật, thức tỉnh sâu sắc ý thức cá nhân cho người cầm bút để thể hiện phong cách sáng tác mang đậm dấu ấn riêng.
  • Các thể loại văn học phát triển đa dạng bao gồm văn xuôi, phóng sự, tiểu thuyết, kịch bản sân khấu, truyện ngắn, thơ ca,…
  • Thành tựu về nghệ thuật thể hiện ở giọng điệu trần thuật phong phú với nhiều phương thức trần thuật đa dạng, ngôn ngữ văn học gần gũi, đậm chất với hiện thực đời thường.